TP.HCM: Tăng cường cho xuất viện bệnh nhân đủ chuẩn, sẵn sàng giường trống nhận F0
[ad_1]
F0 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh để điều trị – Ảnh: THU HIẾN Trong thời gian qua, Sở Y tế ghi nhận và đánh giá cao các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 của TP đã hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0, giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến của TP Thủ Đức, quận, huyện. Hiện nay, số lượng người F0 nhập viện vẫn còn cao hơn số lượng người F0 xuất viện, đây là một trong những chỉ số đánh giá hiệu quả kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Sở Y tế đề nghị các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 của TP tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến của TP Thủ Đức, quận, huyện. Đặc biệt lưu ý việc tăng cường chuyển bệnh 2 chiều, tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý nền hoặc cần thở oxy. Bên cạnh đó phải rà soát tất cả người bệnh không triệu chứng đã được điều trị ổn định để chuyển về các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến của TP Thủ Đức, quận, huyện đảm bảo sẵn sàng giường trống tiếp nhận các trường hợp mới. Giám đốc các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 phải tăng cường cho người bệnh xuất viện khi đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Sở Y tế đã và tiếp tục phân bổ thuốc Remdesivir đến các bệnh viện để sử dụng cho người bệnh COVID-19 có triệu chứng mức độ trung bình và nặng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Đề nghị các bệnh viện tăng cường sử dụng thuốc Remdesivir theo hướng dẫn điều trị nhằm giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng. Các bệnh viện tầng 2 tham gia hội chẩn chuyên môn với các bệnh viện tầng 3 và tăng cường chuyển viện lên tầng 3 đối với các trường hợp nặng, quá khả năng điều trị. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 18h ngày 27-8 đến 18h ngày 28-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.481 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 204.964 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Cần tăng tỉ lệ cách ly, điều trị F0 tại nhà Ngày 28-8, Sở Y tế gửi tờ trình khẩn đến UBND TP đề nghị tăng cường triển khai cách ly tại nhà với các F0 đủ điều kiện, tránh nguy cơ quá tải cho các khu cách ly tập trung. Nhân viên y tế thăm khám, phát thuốc cho F0 đang điều trị tại nhà ở phường 7 (quận Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN Theo Sở Y tế, sau 1 tháng triển khai mô hình cách ly tại nhà với các trường hợp F0, đã có nhiều quận huyện thực hiện tốt, trong đó có quận 1, quận 5, quận 6, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, huyện Hóc Môn. Các quận huyện trên hiện tại có đa số ca F0 được cách ly và điều trị tại nhà, với tỉ lệ 60-90%. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một số quận huyện có tỉ lệ F0 cách ly, điều trị tại nhà nhỏ hơn F0 cách ly, điều trị tập trung. Số liệu cập nhật đến 28-8, TP Thủ Đức có 340/1.902 F0 cách ly tại nhà (17,7%), huyện Bình Chánh có 798/3.513 F0 cách ly tại nhà (22,7%), huyện Củ Chi có 8/1.160 F0 cách ly tại nhà (0,7%). Trong thời gian thực hiện chỉ thị 11, TP đẩy mạnh công tác xét nghiệm diện rộng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Dự báo số lượng F0 có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, Sở Y tế khẩn trương đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường sàng lọc F0 trong cộng đồng. Nếu bệnh nhân đủ điều kiện cách ly tại nhà thì triển khai các hoạt động chăm sóc, theo dõi ngay tại nhà. Tính đến 28-8, tổng số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 74.452 người, trong đó có 47.920 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.505 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người. Hiện tại, TP đã triển khai 411 trạm y tế lưu động trên toàn bộ địa bàn phường xã, mỗi trạm có thể theo dõi, điều trị từ 50 đến 100 F0. Các F0 đều có số liên lạc của bác sĩ, điều dưỡng và được hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc yếu tố nguy cơ để đến nhà trực tiếp thăm khám. Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân đều được tặng một túi thuốc chăm sóc sức khỏe gồm thuốc ho, thuốc hạ sốt, vitamin không cần kê toa, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang, máy đo điện tử nồng độ oxy trong máu SpO2. Ngoài ra còn có thể kèm theo thuốc kháng đông, kháng viêm có kê toa theo chỉ định bác sĩ, dùng trong tình huống khó thở đột ngột khi chưa tiếp cận được bác sĩ.
[ad_2]